1. Chỉ đăng ký xét tuyển vào một trường, chọn gần chục ngành thuộc các lĩnh vực khác nhau… là cách chọn ngành và sắp xếp nguyện vọng tiềm ẩn nhiều rủi ro
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến 12h sáng 29-7, hệ thống của bộ ghi nhận 702.762 thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển. Con số này tăng khoảng 60.000 thí sinh so với năm 2023.
Một thí sinh trúng tuyển phương thức xét tuyển sớm ngành truyền thông marketing Trường đại học Kinh tế quốc dân. Tuy nhiên, thí sinh này buộc phải từ bỏ ngành này vì học phí quá cao so với điều kiện kinh tế gia đình.
Để tìm cơ hội khác vào đại học, thí sinh này đăng ký xét tuyển 10 nguyện vọng vào các trường đại học bằng điểm thi tốt nghiệp THPT: Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Học viện Chính sách và Phát triển, Trường đại học Vinh và Trường đại học Kinh tế Nghệ An. Theo thí sinh này, điểm chung của các trường này là “học phí phải chăng, dễ chịu”.
Thế nhưng, ngành mà thí sinh đăng ký lại rải ở nhiều lĩnh vực khác nhau như báo chí truyền thông, sư phạm, khoa học xã hội, kinh tế, ngôn ngữ. Nguy cơ trúng tuyển ngành không đúng với sở thích là rất lớn bởi các ngành cụ thể rất khác nhau.
Tương tự một thí sinh khác đăng ký 6 nguyện vọng nhưng lại là 6 ngành hoàn toàn khác nhau, từ y khoa đến sư phạm, kỹ thuật vào các trường đại học tại Đà Nẵng, Hà Nội.
Trong khi đó không ít thí sinh chỉ đăng ký tất cả nguyện vọng xét tuyển vào một trường. Đơn cử như tại Trường đại học Công thương TP.HCM, một thí sinh đăng ký xét tuyển 15 nguyện vọng vào trường này.
Thí sinh này không trúng tuyển các phương thức xét tuyển sớm, đăng ký xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT. Toàn bộ các nguyện vọng thuộc các nhóm ngành kỹ thuật, công nghệ, thực phẩm.
Tuy nhiên các ngành khá khác xa nhau, từ điện – điện tử, sinh học, môi trường, thực phẩm, công nghệ thông tin, chế biến món ăn. Điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro khi thí sinh có thể rớt toàn bộ các ngành.
Việc chọn ngành và chiến thuật sắp xếp nguyện vọng được các chuyên gia tư vấn rất nhiều. Thế nhưng gần hết thời gian đăng ký xét tuyển, rất nhiều thí sinh vẫn băn khoăn chọn ngành nào, sắp xếp nguyện vọng ra sao. Thực tế cho thấy bên cạnh thí sinh sắp xếp nguyện vọng hợp lý cũng có không ít thí sinh rải nguyện vọng theo kiểu cầu may.
Chia sẻ quan điểm về trường hợp thí sinh đăng ký toàn bộ 15 nguyện vọng vào Trường đại học Công thương, ông Phạm Thái Sơn – giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông trường này, cho rằng điều này cho thấy thí sinh có sự yêu thích với trường. Thí sinh chọn các ngành ở lĩnh vực gần nhau cũng tương đối hợp lý.
“Việc đặt toàn bộ nguyện vọng vào một trường cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Trong trường hợp xấu nhất, thí sinh có thể rớt tất cả nguyện vọng” – ông Sơn nói.
TS Phạm Tấn Hạ – phó hiệu trưởng Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) – nhấn mạnh điều quan trọng nhất khi chọn ngành là phù hợp sở thích, nếu không sẽ rất nguy hiểm bởi sẽ rất khó để hoàn thành chương trình học.
Ngoài ra thí sinh nên cân nhắc đến điều kiện kinh tế gia đình để lựa chọn trường phù hợp, tránh bị đứt gánh giữa đường.
TS Lê Thị Thanh Mai – chuyên gia tư vấn tuyển sinh, nguyên trưởng ban công tác sinh viên Đại học Quốc gia TP.HCM – lưu ý: đừng chọn đại, chọn bừa, chọn theo bạn bè hay ai đó. Chỉ có các bạn mới biết mục tiêu nghề nghiệp, sở thích, sở trường của các bạn là gì. Cùng một ngành sẽ có ở nhiều trường, các bạn tìm hiểu xem điều kiện của mình phù hợp học ở đâu.
2. Thời gian nộp lệ phí xét tuyển
Thí sinh nộp lệ phí xét tuyển theo hình thức trực tuyến từ ngày 31-7 đến 17h ngày 6-8-2024. Bộ Giáo dục và Đào tạo chia thí sinh 63 địa phương thành 6 nhóm nộp lệ phí xét tuyển. Mỗi nhóm nộp lệ phí trong 1 ngày.