ĐỀ ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC QUỐC GIA HÀ NỘI
(Phần tư duy định tính)
Đề số 01
Câu 51. Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi từ 51 đến 55:
(1) “- Nhớ gì như nhớ người yêu
(2) Trăng lên đầu núi, nắng chiều lưng nương
(3) Nhớ từng bản khói cùng sương
(4) Sớm khuya bếp lửa người thương đi về.
(5) Nhớ từng rừng nứa bờ tre
(6) Ngòi Thia, sông Đáy, suối Lê vơi đầy”
(Tố Hữu, Việt Bắc, Ngữ văn 12, tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2014)
Văn bản trên được viết theo thể thơ nào?
A. Thơ tự do. B. Thơ sáu chữ. C. Thơ tám chữ. D. Thơ lục bát.
Câu 52. Các biện pháp tu từ được sử dụng trong câu (1) của văn bản trên:
A. Câu hỏi tu từ và so sánh.
B. Hoán dụ và so sánh.
C. Đối lập và ẩn dụ.
D. Ẩn dụ và hoán dụ.
Câu 53. Hình ảnh “rừng nứa bờ tre” trong câu (5) mang ý nghĩa gì?
A. Gợi tả không gian núi rừng Việt Bắc.
B. Gợi nhớ hình ảnh con người Việt Bắc.
C. Ca ngợi đức tính cao đẹp của con người Việt Bắc.
D. Khẳng định vẻ đẹp của thiên nhiên miền núi phía Bắc.
Câu 54. Nhận xét nào sau đây đúng với ý nghĩa của từ “nhớ” trong câu (1)?
A. Cảm xúc của tác giả trước khoảnh khắc chia xa người mình yêu.
B. Tâm trạng của tác giả khi phải xa mảnh đất nơi mình gắn bó đã nhiều năm.
C. Tình cảm lưu luyến của tác giả với những con gái mình yêu thương.
D. Nỗi nhớ nồng nàn, da diết của tác giả với con người của núi rừng Việt Bắc.
Câu 55. Từ “lưng nương” trong câu (2) gợi tả hình ảnh gì?
A. Lưng chừng của ngọn đồi.
B. Lưng chừng của ngọn núi.
C. Bóng lưng của người miền núi đi làm nương về.
D. Bóng lưng của người miền núi trên đường đi làm nương.
Câu 56. Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi từ 56 đến 60:
“Thường thì đến gà gáy sáng Mị ngồi dậy ra bếp sưởi một lúc thật lâu thì các chị em trong nhà mới bắt
đầu dậy ra dóm lò bung ngô, nấu cháo lợn. Chỉ chợp mắt được từng lúc, Mị lại thức sưởi lửa suốt đêm.
Mỗi đêm, khi nghe tiếng phù phù thổi bếp, A Phủ lại mở mắt. Ngọn lửa sưởi bùng lên, cùng lúc ấy thì Mị
cũng nhìn sang, thấy mắt A Phủ trừng trừng, mới biết A Phủ còn sống. Mấy đêm nay như thế. Nhưng Mị
vẫn thản nhiên thổi lửa, hơ tay. Nếu A Phủ là cái xác chết đứng đấy, cũng thế thôi. Mị vẫn trở dậy, vẫn
sưởi, chỉ biết chỉ còn ở với ngọn lửa. Có đêm A Sử chợt về, thấy Mị ngồi đấy, A Sử đánh Mị ngã ngay xuống
cửa bếp. Nhưng đêm sau Mị vẫn ra sưởi như đêm trước.”
(Tô Hoài, Vợ chồng A Phủ, Ngữ văn 12, tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2014)
Văn bản trên đã sử dụng phương thức biểu đạt chính nào?
A. Biểu cảm. B. Tự sự. C. Miêu tả. D. Nghị luận.
Câu 57. Từ “dóm lò” (gạch chân, in đậm) trong văn bản dùng để chỉ hành động nào sau đây?
A. Làm cho ngọn lửa bắt vào củi trong bếp để đun nấu.
B. Dựng một cái bếp bằng củi để nấu ăn ở ngoài trời.
C. Dùng củi và bùn tạo thành than để đun nấu.
D. Sử dụng gạch và vôi để dựng bếp đun nấu trong gia đình.
Câu 58. Chi tiết “thấy mắt A Phủ trừng trừng” đã diễn tả tâm trạng gì của A Phủ?
A. Tức giận đến mức muốn ăn tươi nuốt sống Mị.
B. Mệt mỏi, chán nản đồng thời tức giận với những bất công trong cuộc đời.
C. Chán nản vì bị bỏ đói và đánh đập khi phải làm trong nhà A Sử.
D. Tức giận khi nhớ lại cảnh A Sử đánh đập Mị ngã lăn xuống bếp.
Câu 59. Nội dung chính trong đoạn trích trên là:
A. Sự thờ ơ của Mị trước những nghịch cảnh của cuộc sống.
B. Hoàn cảnh đặc biệt khi Mị và A Phủ đối diện với nhau.
C. Cuộc sống tồi tệ của Mị và A Phủ khi ở trong nhà Thống lí Pá Tra.
D. Sự tàn nhẫn của A Sử với Mị trong những đêm mùa xuân.
Câu 60. Từ nào sau đây có thể thay thế cho từ “gà gáy sáng” (gạch chân, in đậm) trong văn bản trên?
A. Tờ mờ sáng. B. Trời chưa sáng.
C. Mặt trời lên. D. Đêm vừa xuống.
Câu 61. Đọc văn bản sau và trả lời từ câu 61 đến câu 65:
“Tiếng đòn gánh kĩu kịt nghe rõ rệt, khói theo gió tạt lại chỗ hai chị em (1). Bác Siêu đã tới gần, đặt
gánh phở xuống đường (2). Bác cúi xuống nhóm lại lửa, thổi vào cái ống nứa con (3). Bóng bác mênh
mông ngả xuống đất một vùng và kéo dài đến tận hàng rào hai bên ngõ (4). An và Liên ngửi thấy mùi phở
thơm, nhưng ở cái huyện nhỏ này, quà bác Siêu là một thứ quà xa xỉ, nhiều tiền, hai chị em không bao giờ
mua được (5). Liên nhớ lại khi ở Hà Nội chị được hưởng những thức quà ngon, lạ – bấy giờ mẹ Liên nhiều
tiền – được đi chơi Bờ Hồ uống những cốc nước xanh đỏ. (6) Ngoài ra, kỉ niệm còn nhớ lại không rõ rệt
gì, chỉ là một vùng sáng rực và lấp lánh (7).”
(Thạch Lam, Hai đứa trẻ, Ngữ văn 11, tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2018)
Xác định phong cách ngôn ngữ được sử dụng trong đoạn trích trên.
A. Báo chí. B. Chính luận. C. Khoa học. D. Nghệ thuật.
Câu 62. Từ “quà bác Siêu” (gạch chân, in đậm) trong đoạn trích nhắc tới:
A. Món quà mà bác Siêu tặng mọi người.
B. Sự thích thú khi nhìn bác Siêu dọn hàng.
C. Món hàng mà bác Siêu bán ở phố huyện.
D. Món đồ mà bác Siêu được tặng từ người thân.
Câu 63. Câu văn (6) trong đoạn trích trên muốn diễn tả điều gì?
A. Liên luôn nhớ về những ngày tháng tươi đẹp trước kia.
B. Liên luôn thích được đi chơi Bờ Hồ.
C. Liên khao khát được uống thứ nước xanh đỏ.
D. Liên mong muốn có tiền ăn một bát phở.
Câu 64. Vì sao tác giả lại sử dụng từ “xa xỉ” trong đoạn trích trên?
A. Món quà đó quá đắt tiền với những người dân phố huyện.
B. Món quà đó gắn liền với cuộc sống của người dân phố huyện.
C. Món quà đó đại diện cho sự giàu có của bác Siêu.
D. Món quà đó đại diện cho sự sầm uất của phố huyện.
Câu 65. Tác giả đã muốn diễn tả điều gì khi sử dụng cụm từ “một vùng sáng rực và lấp lánh” (gạch chân,
in đậm) trong đoạn trích trên?
A. Hà Nội là thành phố có nhiều đèn đường nên cuộc sống về đêm vô cùng sôi động.
B. Hà Nội là nơi đại diện cho sự sầm uất và chứa đựng những kỷ niệm đẹp của con người.
C. Hà Nội là nơi bán những món đồ xa xỉ và là nơi sống của những người có học vấn rất cao.
D. Hà Nội là nơi sống của những người giàu có nên có nhiều thứ kỳ lạ với con người.
Câu 66. Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi từ 66 đến 70:
“Nhớ Nguyễn Trãi, chúng ta nhớ người anh hùng cứu nước, người cùng Lê Lợi làm nên sự nghiệp “bình
Ngô”, người thảo Đại cáo bình Ngô, Nguyễn Trãi là một người yêu nước, yêu nước sâu sắc, mạnh mẽ,
thiết tha, với tâm hồn và khí phách của người anh hùng. Đối với Nguyễn Trãi, yêu nước là thương dân, để
cứu nước phải dựa vào dân, đem lại thái bình cho dân, cho mọi người. Triết lý nhân nghĩa của Nguyễn
Trãi, cuối cùng, chẳng qua là lòng yêu nước thương dân: cái nhân, cái nghĩa lớn nhất là phấn đấu đến
cùng chống ngoại xâm, diệt tàn bạo, vì độc lập của nước, hạnh phúc của dân.”
(Phạm Văn Đồng – Nguyễn Trãi, người anh hùng của dân tộc)
Từ “thảo” (gạch chân, in đậm) trong đoạn trích trên có thể được thay bằng từ/cụm từ nào sau đây?
A. Tạo nên chiến thắng.
B. Viết một văn bản.
C. Dốc sức giúp vua.
D. Có nhiều công lớn.
Câu 67. Phương thức biểu đạt chính trong đoạn trích trên là gì?
A. Tự sự. B. Miêu tả. C. Biểu cảm. D. Nghị luận.
Câu 68. Đâu là nhận định đúng nhất về việc tác giả nhắc nhiều lần từ “Nguyễn Trãi” trong đoạn trích trên?
A. Sử dụng phương pháp điệp ngữ để tăng sức gợi hình, gợi cảm cho đoạn văn.
B. Không sử dụng những đại từ thay thế để thể hiện sự trân trọng nhân vật
C. Nhấn mạnh đối tượng trung tâm, chủ thể được nhắc tới trong đoạn trích.
D. Tuân thủ những quy định của lối viết văn về một nhân vật thời phong kiến.
Câu 69. Theo đoạn trích trên, Nguyễn Trãi đã gắn tình yêu nước của mình với:
A. Mong muốn cho nhân dân có cuộc sống thái bình, ấm no.
B. Đem lại cho nhân dân cuộc sống tốt đẹp, giàu sang phú quý.
C. Phò tá và tiến cử những người tài để có thể giúp dân, giúp nước.
D. Sống gắn bó và thông cảm cho mọi tầng lớp nhân dân trong nước.
Câu 70. Tác giả đã gọi tấm lòng đối đãi với nhân dân của Nguyễn Trãi chính là:
A. Tư tưởng nhân nghĩa.
B. Quan điểm sống của quân tử.
C. Ý nghĩa lớn nhất trong đời.
D. Triết lý nhân nghĩa.
Câu 71. Xác định một từ/cụm từ SAI về mặt ngữ nghĩa hoặc ngữ pháp/logic/ phong cách trong câu sau:
Phở là món ăn sáng đại chúng của người Việt nhưng giờ đây, du khách khi tới Việt Nam có thể được thưởng
thức một bát phở ngon ngay cả buổi trưa, chiều hay thậm chí là đêm khuya.
A. đại chúng. B. du khách. C. có thể. D. thưởng thức.
Câu 72. Xác định một từ/cụm từ SAI về mặt ngữ nghĩa hoặc ngữ pháp/logic/phong cách trong câu sau:
Tô Hoài cùng những “đứa con tinh thần” của ông sẽ luôn là người bạn đồng hành với tuổi thơ trên quá trình
trưởng thành và là những hồi kí tươi đẹp của người lớn khi nghĩ về thuở nhỏ.
A. đứa con tinh thần. B. đồng hành.
C. trưởng thành. D. hồi kí.
Câu 73. Xác định một từ/cụm từ SAI về mặt ngữ nghĩa hoặc ngữ pháp/logic/phong cách trong câu sau:
Người Nhật thường hay cho rằng núi Yoshino chính là điểm ngắm hoa anh đào đẹp nhất trong cả nước.
Chính vì thế mà nhiều năm trước người dân đã đem nhiều cây lên đây để trồng và sau này trồng cả sang
những vùng núi trung tâm, tạo nên cả một ngọn núi ngàn hoa như bây giờ.
A. cho rằng. B. điểm ngắm. C. trung tâm. D. ngàn hoa.
Câu 74. Xác định một từ/cụm từ SAI về mặt ngữ nghĩa hoặc ngữ pháp/logic/phong cách trong câu sau:
Văn hóa của người Việt bắt nguồn từ nền văn minh lúa nước. Nhu cầu canh tác nông nghiệp đã phân chia
thời gian trong một năm thành 24 tiết khác nhau và ứng với mỗi tiết có một thời khắc giao thoa, trong đó,
tiết quan trọng nhất để khởi đầu một chu kỳ canh tác chính là Tiết Nguyên đán hay Tết Nguyên Đán.
A. văn minh. B. canh tác. C. giao thoa. D. chu kỳ.
Câu 75. Xác định một từ/cụm từ SAI về mặt ngữ nghĩa hoặc ngữ pháp/logic/phong cách trong câu văn sau:
Suốt 100 năm tồn tại, phát triển với không ít những thuận lợi, thách thức, nghệ thuật kịch nói Việt Nam đã
tạo nên một phong cách độc đáo, có diện mạo, bản sắc, phong cách riêng.
A. thuận lợi. B. nghệ thuật. C. phong cách. D. diện mạo.
Câu 76. Từ nào sau đây KHÔNG cùng cấu tạo từ với các từ còn lại?
A. Xanh xanh. B. Xanh tươi. C. Xanh ngắt. D. Xanh đậm.
Câu 77. Xác định từ cùng nghĩa với từ “vùng trời” trong các từ sau:
A. Không gian. B. Không vận. C. Không phận. D.Không thể.
Câu 78. Từ nào sau đây có nghĩa KHÔNG cùng nhóm với các từ còn lại?
A. Nghịch biến. B. Nghịch cảnh. C. Nghịch đề. D. Nghịch đảo.
Câu 79. Tác giả nào sau đây KHÔNG phải thành viên của nhóm “Tự lực văn đoàn”?
A. Nguyễn Bỉnh Khiêm. B. Thạch Lam.
C. Nhất Linh. D. Nguyễn Tường Long.
Câu 80. Đâu là đặc trưng cơ bản của văn học dân gian Việt Nam?
A. Văn học xuất hiện nhiều gương mặt mới với những cách tân về nội dung.
B. Văn học công khai và không công khai cùng phát triển.
C. Các tác phẩm gắn liền với những sinh hoạt của đời sống cộng đồng.
D. Các tác phẩm khẳng định tên tuổi của những tri thức mới.
Câu 81. Chọn một từ/cụm từ phù hợp nhất để điền vào chỗ trống trong văn bản sau:
Dân phố chơi đào bằng việc đi lựa những gốc cây xù xì, những cành có thần thế hẳn hoi từ mãi đầu tháng
Chạp. Người ta không thích những gốc to “non trẻ”, những cánh hoa thô kệch mà phải là thứ đào phai cánh
mỏng, quý phái mọc trên những thân cây…………………… trải bao nắng mưa.
A. to đẹp B. già cỗi C. xanh non D. tươi tắn
Câu 82. Chọn từ/cụm từ phù hợp để điền vào chỗ trống trong văn bản sau:
Vũ Trọng Phụng là nhà văn, nhà báo nổi tiếng, được mệnh danh là “ông vua phóng sự Bắc Kỳ” và nổi tiếng
với giọng văn hiện thực ……… , nêu lên những hiện tượng xấu xa trong đời sống xã hội thông qua việc
gây cười cho độc giả
A. phê phán. B. trào phúng. C. lãng mạn. D. cảm thương.
Câu 83. Chọn một từ/cụm từ thích hợp nhất để điền vào chỗ trống trong văn bản sau:
Những đợt gió mùa Đông Bắc đầu tiên tràn về khiến thành phố lạnh hơn. Cái …………. đầu đông ấy báo
hiệu Tết sắp về, thành phố rực rỡ bởi sắc màu của những chiếc khăn len, áo khoác hay thoang thoảng mùi
thơm của những bắp ngô nướng đầu phố.
A. rét ngọt B. nắng gay gắt C. mùi hương D. hương vị
Câu 84. Chọn từ/cụm từ thích hợp điền vào chỗ trống trong câu văn sau:
Tiểu thuyết “Thời xa vắng” đã được chuyển thể thành phim truyện nhựa vào năm 2003 do …………………
Việt kiều Hồ Quang Minh thực hiện, phim đoạt giải Cánh diều Bạc năm 2004.
A. diễn viên B. họa sĩ C. đạo diễn D. kiến trúc sư
Câu 85. Chọn từ/cụm từ thích hợp điền vào chỗ trống trong câu văn sau:
Trong hai ngày nghỉ cuối tuần, thời tiết cả nước ổn định, miền Bắc sáng có sương mù, trưa chiều hửng
nắng, trời lạnh về đêm và sáng, miền Trung và miền Nam trời nắng, riêng Nam Trung Bộ và Nam Bộ chiều
tối có mưa dông ……………………
A. cục bộ. B. tại chỗ. C. cả ngày. D. ổn định.
Câu 86. Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi:
“Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ
Hồng liên trì đã tiễn mùi hương”
(Nguyễn Trãi, Cảnh ngày hè, Ngữ văn 10, tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2014)
Không gian trong đoạn trích trên được mô tả theo trình tự:
A. Từ cao xuống thấp. B. Từ thấp lên cao.
C. Từ xa tới gần. D. Từ gần tới xa.
Câu 87. Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi:
(1) “Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
(2) Heo hút cồn mây súng ngửi trời
(3) Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
(4) Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”
(Quang Dũng, Tây Tiến, Ngữ văn 12, tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2018)
Xác định biện pháp tu từ được sử dụng trong câu (2) của đoạn trích.
A. So sánh. B. Nhân hóa. C. Ẩn dụ. D. Hoán dụ.
Câu 88. Đọc đoạn trích sau và trả lời câu hỏi:
“Giá trong thơ cũ chỉ có những trần ngôn sáo ngữ, những bài thơ chúc tụng, những bài thơ vịnh hết cái
này đến cái nọ, mà các nhà thơ mới lại chỉ làm những bài kiệt tác thì cũng tiện cho ta biết mấy (1). Khốn
nỗi, cái tầm thường, cái lố lăng chẳng phải của riêng một thời nào và muốn hiểu tinh thần thơ cho đúng
đắn, phải sánh bài hay với bài hay vậy (2).”
(Hoài Thanh, Một thời đại trong thi ca, Ngữ văn 11, tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2018)
Theo tác giả, độc giả cần làm gì để hiểu đúng về thơ?
A. Tìm ra những đặc trưng khác biệt của thơ cũ và thơ mới.
B. Tìm cái hay, cái đẹp trong từng bài thơ ở văn học hiện đại.
C. So sánh các tác phẩm xuất sắc trong từng thời kỳ với nhau.
D. Chỉ ra những nét khác biệt giữa các tác phẩm trong cùng thời đại
Câu 89. Đọc đoạn trích sau và trả lời câu hỏi:
“Bên sông bô lão hỏi,
Hỏi ý ta sở cầu.
Có kẻ gậy lê chống trước,
Có người thuyền nhẹ bơi sau.
Vái ta mà thưa rằng:
“Đây là chiến địa buổi trùng hưng nhị thánh bắt Ô Mã,
Cũng là bãi đất xưa, thuở trước Ngô chúa phá Hoằng Thao”
(Trương Hán Siêu, Bạch Đằng giang phú, Ngữ văn 10, tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2018)
Trong câu “Cũng là bãi đất xưa, thuở trước Ngô chúa phá Hoằng Thao”, Ngô chúa ở đây là ai?
A. Ngô Quyền. B. Lý Thường Kiệt.
C. Ngô Miễn Thiệu. D. Ngô Thì Sỹ.
Câu 90. Đọc đoạn trích sau và trả lời câu hỏi:
“Quốc tộ như đằng lạc,
Nam thiên lý thái bình.
Vô vi cư điện các,
Xứ xứ tức đao binh.”
(Pháp Thuận, Quốc tộ, Ngữ văn 10, tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2019)
Câu thơ “Quốc tộ như đằng lạc” sử dụng nghệ thuật tu từ nào?
A. Nhân hóa. B. So sánh. C. Ẩn dụ. D. Hoán dụ.
Câu 91. Đọc đoạn trích sau đây và trả lời câu hỏi:
“Hàng me gầy viền hai lề đường bị cái rét gai góc tuốt sạch đến từng vảy lá nhỏ, một chiều áp Tết như
triều dâng âm thầm đã đến kì bộc phát bỗng tưng bừng nơi đầu cành, những chấm lộc vàng, li ti như những
bóng đèn nhỏ, le lói sáng một góc trời vẫn còn nhiều mây xám (1). Xuân thiên nhiên gặp gỡ xuân trong
lòng người (2). Sự hài hoà, cộng cảm đem lại vẻ đẹp mới mẻ cho tự nhiên, thổi vào cảnh đời thường nhật
tưởng như đã nhàm chán một sự sống non trẻ, một nhịp điệu khác thường (3).”
(Ma Văn Kháng, Mùa lá rụng trong vườn, NXB Văn học, 2017)
Xác định phương thức biểu đạt chính trong đoạn trích trên.
A. Tự sự. B. Miêu tả. C. Biểu cảm. D. Nghị luận.
Câu 92. Đoạn đoạn trích sau và trả lời câu hỏi:
(1) “Anh nắm tay em cuối mùa chiến dịch
(2) Vắt xôi nuôi quân em giấu giữa rừng
(3) Đất Tây Bắc tháng ngày không có lịch
(4) Bữa xôi đầu còn tỏa nhớ mùi hương”
(Chế Lan Viên, Tiếng hát con tàu, Ngữ văn 12, tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2019)
Vì sao tác giả lại viết “Đất Tây Bắc tháng ngày không có lịch”?
A. Trên Tây Bắc không có lịch để người dân có thể kiểm tra ngày tháng.
B. Tác giả thể hiện sự gắn bó và nỗi nhớ về những ngày tháng ở Tây Bắc.
C. Món xôi Tây Bắc quá ngon và tác giả gợi ý cho mọi người khi lên đây du lịch.
D. Tác giả ở Tây Bắc lâu quá nên không nhớ mình đã ở đây bao lâu.
Câu 93. Đọc đoạn trích sau và trả lời câu hỏi:
(1) “Mùi tháng, năm đều rớm vị chia phôi,
(2) Khắp sông, núi vẫn than thầm tiễn biệt…
(3) Cơn gió xinh thì thào trong lá biếc,
(4) Phải chăng hờn vì nỗi phải bay đi?”
(Xuân Diệu, Vội vàng, Ngữ văn 11, tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2015)
Từ “rớm” trong câu (1) thể hiện cảm xúc nào sau đây?
A. Sự vui mừng. B. Sự hạnh phúc. C. Sự đau đớn. D. Sự thê lương.
Câu 94. Đọc đoạn trích sau và trả lời câu hỏi:
“Trong văn hóa người H’mông, trời không phải là một thế lực siêu nhiên hùng mạnh (1). Trời thường
hiện ra cái lòng không ngay, không tốt, xấu xa, độc ác (2). Người H’mông giống như các tộc người ở châu
Á gió mùa phồn sinh, là tộc người theo thuyết vật linh (3). Thế nhưng nếu như người Việt thờ Trời như là
một thế lực siêu nhiên tối cao, ảnh hưởng sâu đậm từ dân gian đến nhà nước (tế Nam Giao), thì người
H’mông rất ít khi cúng trời (4).”
(Nguyễn Mạnh Tiến, Những đỉnh núi du ca, NXB Hội nhà văn, 2021)
Theo tác giả, người H’mông có tín ngưỡng gì?
A. Tín ngưỡng thờ Trời và các vị thần.
B. Tín ngưỡng thờ những đồ vật, con vật gắn với cuộc sống.
C. Tín ngưỡng thờ thần thiên nhiên.
D. Tín ngưỡng thờ những con người ở vùng đất ấy.
Câu 95. Đọc đoạn trích sau đây và trả lời câu hỏi:
“Dòng thác hùm beo đang hồng hộc tế mạnh trên sông đá (1). Nắm chặt lấy được cái bờm sóng đúng
luồng rồi, ông đò ghì cương lái, băm chắc lấy luồng nước đúng mà phóng nhanh vào cửa sinh, mà lái miết
một đường chéo về phía cửa đá ấy (2). Bốn năm bọn thuỷ quân cửa ải nước bên bờ trái liền xô ra cảnh níu
thuyền lôi vào tập đoàn cửa tử (3). Ông đò vẫn nhớ mặt bọn này, đứa thì ông tránh mà rảo bơi chèo lên,
đứa thì ông đè sấn lên mà chặt đôi ra để mở đường tiến (4). Những luồng tử đã bỏ hết lại sau thuyền (5).”
(Nguyễn Tuân, Người lái đò sông Đà, Ngữ văn 12, tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2018)
Trong đoạn trích, tác giả đã mô tả dòng thác như thế nào?
A. Nước chảy xiết thành nhiều dòng cản con thuyền tiến về phía trước.
B. Nước chảy mạnh một dòng cản con thuyền tiến về phía trước.
C. Nước chảy nhẹ đẩy con thuyền tiến về phía trước.
D. Nước chảy mạnh đẩy con thuyền tiến về phía trước.
Câu 96. Đọc đoạn trích sau và trả lời câu hỏi:
“Hôm ấy, Tôn Càn theo lệnh Quan Công vào thành ra mắt Trương Phi. Thi lễ xong, nói chuyện Huyền
Đức đã bỏ Viên Thiệu sang Nhữ Nam, Vân Trường thì ở Hứa Đô, vừa đưa hai phu nhân đến đây. Rồi mời
Trương Phi ra đón.
Phi nghe xong, chẳng nói chẳng rằng, lập tức mặc áo giáp, vác mâu lên ngựa, dẫn một nghìn quân, đi
tắt ra cửa bắc. Tôn Càn thấy lạ, nhưng không dám hỏi cũng phải theo ra thành.
Quan Công trông thấy Trương Phi ra, mừng rỡ vô cùng, giao long đao cho Châu Thương cầm, tế ngựa
lại đón. Trương Phi trợn mắt tròn xoe, râu hùm vểnh ngược, hò hét như sấm, múa xà mâu chạy lại đâm
Quan Công.”
(La Quán Trung, Hồi trống Cổ Thành, Ngữ văn 10, tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2018)
Đoạn trích trên đã diễn tả tâm trạng của Trương Phi như thế nào?
A. Vô cùng hạnh phúc khi được gặp lại Quan Công.
B. Giận Quan Công vì đã lâu không tới hỏi thăm.
C. Tức giận vì nghĩ Quan Công là kẻ bội ơn bạc nghĩa.
D. Chán nản vì Quan Công ghé thăm mà không có gì tiếp đãi.
Câu 97. Đọc đoạn trích sau và trả lời câu hỏi:
(1) “Một duyên hai nợ âu đành phận,
(2) Năm nắng mười mưa dám quản công.
(3) Cha mẹ thói đời ăn ở bạc,
(4) Có chồng hờ hững cũng như không.”
(Tú Xương, Thương vợ, Ngữ văn 11, tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2018)
Đoạn trích trên đã sử dụng chất liệu dân gian nào?
A. Tục ngữ. B. Thành ngữ. C. Ca dao. D. Câu đố.
Câu 98. Đọc đoạn trích sau đây và trả lời câu hỏi:
(1) Tương tư thức mấy đêm rồi,
(2) Biết cho ai, hỏi ai người biết cho!
(3) Bao giờ bến mới gặp đò?
(4) Hoa khuê các, bướm giang hồ gặp nhau?”
(Nguyễn Bính, Tương tư, Ngữ văn 11, tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2019)
Xác định các biện pháp tu từ trong câu: “Hoa khuê các, bướm giang hồ gặp nhau?”
A. So sánh, nhân hóa. B. So sánh, ẩn dụ.
C. Câu hỏi tu từ, ẩn dụ. D. Câu hỏi tu từ, hoán dụ.
Câu 99. Đọc đoạn trích sau và trả lời câu hỏi:
“Sáng mát trong như sáng năm xưa
Gió thổi mùa thu hương cốm mới
Tôi nhớ những ngày thu đã xa
Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội
Những phố dài xao xác hơi may
Người ra đi đầu không ngoảnh lại
Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy.”
(Nguyễn Đình Thi, Đất nước, Ngữ văn 12, tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2019)
Trong đoạn thơ trên, tác giả đã miêu tả mùa thu Hà Nội trong:
A. Dòng hồi tưởng với những cảm xúc lưu luyến.
B. Niềm hạnh phúc khi chợt bắt gặp khoảnh khắc đầu thu.
C. Nỗi buồn khi phải chia xa quê hương của mình.
D. Nỗi nhớ về một mảnh đất mình không thể trở lại.
Câu 100. Đọc đoạn trích sau và trả lời câu hỏi:
“Hình như trong khoảnh khắc chùng lại của sông nước ấy, sông Hương đã trở thành một người tài nữ
đánh đàn lúc đêm khuya. Đã nhiều lần tôi thất vọng khi nghe nhạc Huế giữa ban ngày, hoặc trên sân khấu
nhà hát. Quả đúng như vậy, toàn bộ nền âm nhạc cổ điển Huế đã được sinh thành trên mặt nước của dòng
sông này, trong một khoang thuyền nào đó, giữa tiếng nước rơi bám âm của những mái chèo khuya. Nguyễn
Du đã bao năm lênh đênh trên quãng sông này, với một phiến trăng sầu. Và từ đó, những bản đàn đã đi
suốt đời Kiều. Tôi đã chứng kiến một người nghệ nhân già, chơi đàn hết nửa thế kỷ, một buổi tối ngồi nghe
con gái đọc Kiều: “Trong như tiếng hạc bay qua – Đục như tiếng suối mới sa nửa vời”… Đến câu ấy, người
nghệ nhân chợt nhổm dậy vỗ đùi, chỉ vào trang sách Nguyễn Du mà thốt lên: “Đó chính là Tứ đại cảnh!”
(Hoàng Phủ Ngọc Tường, Ai đã đặt tên cho dòng sông? Ngữ văn 12, tập một,
NXB Giáo dục Việt Nam, 2018)
Theo tác giả, muốn đi nghe ca Huế thì phải nghe ở hoàn cảnh nào?
A. Đi nghe ban ngày trên sân khấu. B. Đi nghe buổi đêm trên sân khấu.
C. Đi nghe ban ngày trên thuyền. D. Đi nghe buổi đêm trên thuyền.
Tải xuống tài liệu file PDF: Tại đây
ĐĂNG KÝ TƯ VẤN