Đề thi minh họa tốt nghiệp THPT 2025 có nhiều nét giống đề thi chuẩn hóa (SAT) và bài thi xét tuyển vào đại học (ACT) của Mỹ.
Đề thi ở các môn học đều giữ nguyên số lượng câu hỏi như kỳ thi cũ, riêng môn toán và ngoại ngữ có nhiều thay đổi. Cụ thể, ở môn toán, nếu kỳ thi hiện hành có 50 câu hỏi, ở đề thi tốt nghiệp THPT 2025 sẽ có 34 câu hỏi. Còn môn ngoại ngữ sẽ có 40 câu hỏi (ít hơn 10 câu so với các kỳ thi cũ)
Đề toán minh họa có 3 dạng thức câu hỏi gồm:
- Dạng thức 1 (3 điểm): dạng trắc nghiệm 4 lựa chọn quen thuộc gồm 12 câu ở mức độ nhận biết nhanh các khái niệm, định nghĩa và công thức
- Dạng thức 2 (4 điểm): dạng đổi mới gồm 4 câu, mỗi câu có 4 ý và buộc phải trả lời những ý đó đúng hay sai. Đòi hỏi học sinh phải trả lời 16 ý và thể hiện sự thông hiểu một cách thấu đáo các kiến thức đã học trong chương trình
- Dạng thức 3 (3 điểm): gồm 6 câu vận dụng kiến thức tổng quát để giải và cũng là dạng đổi mới được cho dưới dạng tự luận nhưng chỉ cần nêu lên kết quả cuối cùng trong câu
Đề minh họa dùng nhiều tư liệu khác nhau nhằm kiểm tra năng lực đọc hiểu của học sinh. Ví dụ trong đề thi minh họa lịch sử, ngoài dạng trắc nghiệm 4 đáp án, đề minh họa còn có thêm hình thức đọc đoạn văn và lựa chọn nhận định đúng hay sai (là các hình thức trắc nghiệm giống trong các kỳ thi của các trường đại học hiện nay). Tuy nội dung của đề thi minh họa sử dụng nhiều tư liệu khác nhau nhằm kiểm tra năng lực đọc hiểu của học sinh nhưng vẫn bám sát nội dung chương trình lịch sử.
Theo Bộ GD&ĐT, để bảo đảm phù hợp với mục đích yêu cầu của kỳ thi, số lượng câu hỏi/lệnh hỏi cho mỗi đề thi cũng như một số vấn đề liên quan có thể được điều chỉnh khi xây dựng đề thi cho kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.
Vậy nên, các thí sinh cần phải hiểu bản chất vấn đề của môn học, chuẩn bị cho bản thân những phương án xét tuyển phù hợp để có thể dùng kết quả xét tuyển vào các trường đại học mà bản thân yêu thích.